Từ nhiều năm nay, cứ tới những ngày cuối hè, ở hầu hết các tỉnh và thành phố tại Trung Quốc, lại thấy cảnh người dân nối đuôi nhau xếp hàng trước các Phòng khám Đông y, để chờ đến lượt được “Đông bệnh hạ trị”. Theo đánh giá của giới y học, “Đông bệnh hạ trị” trở nên thịnh hành, được đông đảo bệnh nhân ưa chuộng, do có 4 ưu điểm chính: hiệu quả cao, an toàn, kinh tế và ít tác dụng phụ.
“Đông bệnh hạ trị” là gì?
“Đông bệnh” là những chứng bệnh thường hay phát tác vào mùa đông, còn “hạ trị” là tiến hành chữa trị trong mùa hè. Như vậy, “Đông bệnh hạ trị” là chữa trị các bệnh mùa đông trong mùa hè.
“Đông bệnh hạ trị” là một phương pháp phòng trị bệnh tật rất độc đáo, lưu truyền trong dân gian từ nhiều thế kỷ trước, được đề cập trong sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân và trình bày một cách hệ thống trong sách Trương Thị y thông của Trương Lộ. Vài chục năm gần đây, phương pháp “Đông bệnh hạ trị” chính thức được áp dụng tại các bệnh viện, sau khi kết quả nghiên cứu lâm sàng khẳng định tác dụng phòng ngừa tốt đối với bệnh mùa đông, đặc biệt là các bệnh dị ứng như: hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
“Châm” trong điều trị Đông y.
“Cứu” trong điều trị Đông y.
|
Từ nhiều thế kỷ trước, Đông y đã nhận thấy một số chứng bệnh như: chứng ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi, hen phế quản (thể hư hàn), tiêu chảy lúc sáng sớm (ngũ canh tả), viêm khớp (thể hàn tý), viêm mũi dị ứng (thể phong hàn)… thường hay tái phát hoặc trở nên trầm trọng hơn trong mùa mùa đông. Trong thời gian bệnh phát tác mạnh, nói chung chỉ có thể tập trung vào việc khống chế các triệu chứng, nghĩa là chỉ có thể “chữa ngọn” (trị tiêu).Muốn chữa trị tận gốc (trị bản), cần tiến hành trị liệu ngay từ mùa hè, khi bệnh tình đang tạm ổn định. Phòng trị sớm như vậy, thì khi mùa đông tới bệnh sẽ đỡ tái phát, hoặc giả có phát tác thì cũng nhẹ hơn. Thực tế lâm sàng cho thấy, khi tiến hành “Đông bệnh hạ trị” như vậy, nói chung chỉ cần bỏ ra ít công sức mà kết quả thu được lại rất khả quan, đặc biệt còn có thể trị được tận gốc cả một số chứng bệnh hiểm nghèo.
Vì sao có thể “Đông bệnh hạ trị”?
Theo quan điểm của Đông y học, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các loại “đông bệnh” là “dương hư”. “Dương hư” (còn gọi là “hư hàn”) là một trạng thái bệnh lý, theo cách phân loại chứng bệnh của Đông y. Bệnh lý “dương hư” xuất hiện khi “dương khí” trong cơ thể bị hư tổn, thiếu hụt, không đủ sức để duy trì cân bằng với “âm dịch” bên trong nhân thể, cũng như với “âm hàn” môi trường bên ngoài. Dương hư thì “âm hàn nội sinh” ngay trong nhân thể và “hàn tà” từ bên ngoài cũng dễ xâm nhập vào nhân thể, gây nên các chứng bệnh gọi là “đông bệnh”.
Để chữa trị “dương hư”, trong Đông y có nhiều biện pháp. Trong số đó, “Đông bệnh hạ trị” là phương pháp hết sức độc đáo. Theo Đông y, con người và thiên nhiên là một thể thống nhất, tất cả mọi biến động trong thiên nhiên đều có ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động của nhân thể. Âm dương bốn mùa biến đổi theo quy luật: mùa xuân, mùa hạ dương khí nhiều mà âm khí ít; mùa thu, mùa đông âm khí thịnh mà dương khí suy (xuân – hạ dương khí đa nhi âm khí thiểu, thu – đông âm khí thịnh nhi dương khí suy). Dương khí và âm khí trong nhân thể cũng biến đổi, thịnh suy theo quy luật như vậy. Để thuận ứng với thiên nhiên – trời đất, y gia thời xưa không những chủ trương “xuân – hè dưỡng dương, thu – đông dưỡng âm” (mùa xuân, mùa hè cần bồi dưỡng dương khí; mùa thu, mùa đông cần bồi dưỡng âm khí), mà còn đề xuất ra phương pháp “Đông bệnh hạ trị”, chữa trị các chứng bệnh mùa đông bằng cách lợi dụng “dương khí” (nhiệt năng) của mùa hạ, để bổ sung, tăng cường dương khí, sức chống bệnh của nhân thể.
Phục hạ – dương cực thịnh
Y gia thời xưa nhận thấy, hàng năm đều có một giai đoạn thời tiết nóng nhất, gọi là “Phục hạ”. Tính theo Nông lịch (thường quen gọi là “Âm lịch”), đó là giai đoạn từ sau tiết hạ chí tới tiết lập thu. Trong giai đoạn này, có 3 ngày đặc biệt, 3 điểm mốc đó là “sơ phục”, “trung phục” và “mạt phục”, gọi tắt là “tam phục”; đó là những ngày nóng nhất, dương khí cực thịnh. Chính là những thời điểm thuận lợi nhất, có thể lợi dụng dương nhiệt của mùa hạ, để bồi đắp dương khí trong nhân thể và chữa trị các loại “đông bệnh”, đặc biệt là các bệnh hô hấp, liên quan mật thiết với tạng phế của Đông y.
Cách tính “tam phục” theo Nông lịch như sau: ngày “canh” thứ ba sau tiết hạ chí là “sơ phục”, ngày “canh” thứ tư sau hạ chí là “trung phục”, ngày “canh” thứ nhất sau tiết lập thu là “mạt phục”. Đối với năm 2009, các ngày phục cụ thể sẽ là:
– Sơ phục: 17/7/2009 – ngày “canh thân” theo Nông lịch.
– Trung phục: 24/7/2009 – ngày “canh ngọ” theo Nông lịch.
– Mạt phục: 13/8/2009 – ngày “canh dần” theo Nông lịch.
Theo Thuyết ngũ hành, ngày “canh” thuộc hành Kim. Trong Đông y, tạng phế cũng có thuộc tính ngũ hành là “Kim”. “Đông bệnh” thường liên quan đến chức năng của tạng phế, vì vậy người xưa đã chọn ngày “canh” để thực hiện biện pháp phòng trị.
Trong Đông y cổ đại, việc thực hiện các biện pháp chữa trị cụ thể như: dán cao, cứu ngải, uống thuốc… được tiến hành mỗi năm 3 lần (một liệu trình): đúng vào các ngày phục nói trên. Tốt nhất trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Liên tục từ 3-5 năm.
Trong Đông y hiện đại, vẫn lấy những ngày “canh” làm những khởi điểm của “tam phục”, nhưng 3 lần chữa trị hàng năm không nhất thiết phải thực thi vào đúng ngày canh đầu tiên, mà cũng có thể tiến hành vào một trong số 9 ngày tiếp sau trong mỗi phục. Hiện tại, có những thầy thuốc Đông y còn cho rằng, đối với “đông bệnh” thực tế chỉ cần tiến hành chữa trị vào giai đoạn thời tiết nóng nhất trong năm, là đã có thể mang lại kết quả rất khả quan.Một số biện pháp cụ thể
Để thực hiện “Đông bệnh hạ trị”, trong Đông y có nhiều biện pháp khác nhau như: uống thuốc, châm, cứu, đắp thuốc, dán cao, giác hơi, tắm thuốc, xông thuốc, thực liệu… Tuy nhiên, việc chữa trị cần tuân theo nguyên tắc Biện chứng luận trị, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc Đông y. Một số biện pháp tương đối thông dụng để tham khảo:
Thuốc uống:
– Vào những ngày phục, có thể uống bài thuốc, thành phần như sau: đẳng sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, cam thảo 3g, hoàng kỳ 12g, đương quy 10g, bạch thược 12g, sinh địa 10g, sơn thù 10g, kỷ tử 10g, đại táo 3 trái. Sắc 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 3 lần uống trong ngày, cách xa bữa ăn.
– Trong những ngày phục, cũng có thể dùng nhân sâm 10g, hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày.
– Đối với những người tỳ thận dương hư, từ sau ngày hạ chí, có thể uống hai ba chục tễ thuốc bổ nguyên khí, như bát vị hoàn, lý trung hoàn, thung dung hoàn… Như vậy có thể tăng cường thể lực và nâng cao sức đề kháng đối với một số bệnh mạn tính trong mùa đông.
Đắp thuốc lên huyệt vị:
Đối với những bệnh như: hen suyễn, ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính, hoặc một số chứng bệnh khác về phổi, vào 3 ngày tam phục, có thể dùng thuốc đắp, thành phần như sau: dùng bạch giới tử, tế tân, nguyên hồ, mỗi thứ 12g. Tất cả tán nhỏ, trộn với nước gừng và đắp trên các huyệt “phế du”, “tâm du”, “cách du” hoặc trên các huyệt “phế du”, “bách lao”, “cao hoang”; sau đó dùng băng dính cố định lại. Nói chung, nếu sau 4 – 6 giờ thấy nóng rát hoặc đau nhức ở vùng huyệt thì gỡ thuốc ra. Nếu chỉ thấy hơi ngứa và nóng thì để thêm vài giờ nữa hãy bỏ ra. Cách 10 ngày làm một lần như vậy, tổng cộng 3 lần trong 1 năm. Liên tục 3-5 năm, kết quả càng tốt.
Lương y HUYÊN THẢO
Theo https://suckhoedoisong.vn